TS. Nguyễn Thị Kim Nhung
Chuyển đổi xanh trong các trường trung cấp, cao đẳng (tiếp
theo)
Thế giới nói chung, Việt Nam nói
riêng đang quyết tâm giảm phát thải ròng. Việt Nam đã cam kết giảm phát thải
ròng về 0 đến năm 2050. Vì vậy, đất nước ta đang tích cực chuyển đổi mô hình
tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần
hoàn, phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Hướng tới nền kinh tế xanh và sự
phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự thay đổi về phương thức sản xuất, kỹ
thuật, công nghệ và quan trọng hơn là sự thay đổi về suy nghĩ, thói quen của
con người theo hướng bền vững. Để đáp ứng được những yêu cầu thay đổi một cách
hệ thống, giáo dục đào tạo được coi như một giải pháp tiền đề và then chốt. Đào
tạo nghề cung cấp nguồn lao động và các chuyên gia kỹ thuật, là những người sẽ
trực tiếp sử dụng năng lượng và nguồn nguyên liệu tại nơi làm việc một cách
hiệu quả, bền vững, vì vậy, đào tạo nghề giữ vai trò quan trọng trong việc
chuẩn bị nguồn nhân lực tư duy mới, có văn hóa, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu năng
lực lao động trong nền kinh tế xanh, đáp ứng mục tiêu của chiến lược tăng
trưởng xanh quốc gia.
Để xanh hóa các trường trung cấp,
cao đẳng, bên cạnh thực hiện trụ cột xanh hóa khuôn viên trường học, các trường
cần thực hiện tốt các trụ cột khác như: Xanh hóa chương trình đào tạo; xanh hóa nghiên cứu khoa
học và đổi mới sáng tạo; xanh hóa cộng đồng nơi làm việc và học tập; xanh hóa
văn hóa tổ chức
1. Xanh hóa chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo nghề các
trình độ là công cụ tối quan trọng giúp các trường trung cấp, cao đẳng thực
hiện nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực có khả năng ứng phó và thích ứng với
những thay đổi này. Xanh hóa chương trình đào tạo nghề là một trong năm trụ cột
của xanh hóa đào tạo nghề, mục đích đào tạo ra những con người đáp ứng được
những yêu cầu của tăng trưởng xanh, của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và
phát triển bền vững.
Xanh hóa chương trình đào tạo nghề
được thực hiện theo hai hướng:
Một là, Mở
thêm các ngành, nghề đào tạo xanh mới, ví dụ theo hướng: biến đổi khí hậu và
phát triển bền vững, quản lý tài nguyên môi trường, quản lý tổng hợp tài nguyên
nước, quản lý tài nguyên môi trường biển đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu…
hoặc các ngành nghề thuộc lĩnh vực điện gió, pin mặt trời, khí hóa sinh khối,
biogas…
Hai là, Xanh hóa chương trình đào
tạo hiện có
Xanh hóa chương trình đào tạo hiện
có là tích hợp, lồng ghép những kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, phát
triển bền vững, hay nói cách khác thêm “kiến thức và kỹ năng xanh” vào chương
trình đào tạo hoặc bổ sung môn học/mô đun với những kỹ năng xanh cần thiết.
Việc thực hiện nội dung này, cần bắt đầu bằng việc bổ sung mô tả kiến thức, kỹ
năng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong bản mô tả ngành nghề đào
tạo, thể chế thành chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo, cụ thể hóa nội
dung này trong từng môn học, mô đun trong chương trình đào tạo. Việc tích hợp,
lồng ghép những kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
được thực hiện theo hai cách:
i) Trong chương trình đào tạo có
thể thêm các môn học/mô đun tăng cường năng lực giảm phát thải, bảo vệ môi
trường, chống biến đổi khí hậu cho học sinh, sinh viên, ví dụ như môn học sử
dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng/nguồn lực hay năng lượng tái tạo.
ii) Việc tích hợp, lồng ghép những
kiến thức, kỹ năng về giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
trong từng mô đun, môn học, đảm bảo để đạt được đủ cả kiến thức, kỹ năng, năng
lực tự chủ và trách nhiệm.
Những năng lực bổ sung thêm góp
phần cho việc tránh những tác động có hại đối với môi trường tại nơi làm việc
và đặc biệt để: Giải thích những tác động có hại có thể đến môi trường tại nơi
làm việc và những đóng góp để bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng các ví dụ; áp
dụng những quy định về bảo vệ môi trường tại nơi làm việc; sử dụng những khả
năng có thể để tiêu thụ nguyên vật liệu và năng lượng một cách hiệu quả, thân
thiện với môi trường; tránh sử dụng lãng phí nguyên vật liệu và làm tăng phát
thải ra môi trường.
Nhà trường sẽ đào tạo học sinh,
sinh viên thành những đại sứ xanh hóa, sẽ vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã
học trong công việc và cuộc sống riêng của họ.
* Lưu ý
thực hiện xanh hóa chương trình đào tạo
Khi thực hiện
xanh hóa chương trình đào tạo, các trường trung cấp, cao đẳng cần:
- Khảo sát nhu cầu lao động của
doanh nghiệp cần dự báo các năng lực cần có trong tương lai, xây dựng bản mô tả
vị trí việc làm.
- Thực hiện công tác dự báo nhu
cầu nhân lực và khả năng cung ứng nhân lực đáp ứng tăng trưởng xanh, hệ thống
thông tin thị trường lao động quốc gia cho ngành, nghề xanh chưa được thực
hiện.
- Thể chế kỹ năng xanh trong các
bộ chuẩn đầu ra, bản mô tả vị trí việc làm, bản mô tả/sơ đồ năng lực cần có của
SV tốt nghiệp, kỹ năng xanh theo chuyên môn từng ngành, nghề mới hoặc ngành
nghề hiện có.
- Những kỹ năng để góp phần cho
việc tránh những tác động có hại đối với môi trường tại nơi làm việc và đặc
biệt để:
+ Giải thích những tác động có hại
có thể đến môi trường tại nơi làm việc và những đóng góp để bảo vệ môi trường
bằng việc sử dụng các ví dụ.
+ Áp dụng những quy định về bảo vệ
môi trường tại nơi làm việc;
+ Sử dụng những khả năng có thể để
tiêu thụ nguyên vật liệu và năng lượng một cách thân thiện với môi trường và
hiệu quả.
+ Tránh lãng
phí sử dụng các nguyên vật liệu một cách thân thiện với môi trường.
(Nguồn: Dr.Klaus – Dieter Mertineit (2013) –
Greening colleges – Skills Develop – ment for a Green Emonomy. Paper presented
in the seminar TVET managemient of ILT program. Magdeburg, Germary).
2. Xanh
hóa nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo
Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ
bắt buộc, thường xuyên, liên tục của giảng viên các trường trung cấp, cao đẳng.
Để tận dụng nguồn lực này, nhà trường định hướng, tuyên truyền, khuyến khích,
động viên, hỗ trợ, đầu tư cho giảng viên tập trung nghiên cứu khoa học và đổi
mới sáng tạo vào các đề tài về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, sử dụng tiết
kiệm nhiên, nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Các đề tài
nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tập trung vào 6R là 6 quy tắc vô cùng
quan trọng trong chiến dịch zero waste trên toàn thế giới nhằm hạn chế tối đa
mức độ thải rác của con người, trong đó có rác nhựa. Cụ thể, 6R tương ứng với 6
tiêu chí Refuse, Reduce, Reuse, Recycle, ROT, Rethink như sau:
Refuse (Từ chối): Từ chối các quy trình công
nghệ, các nguồn nguyên liệu và các sản phẩm gây ảnh hưởng có hại tới môi
trường. Sử dụng các quy trình công nghệ, các nguồn nguyên liệu và các sản phẩm
giúp cải thiện, thân thiện với môi trường.
Reduce (Giảm thiểu): Giảm thiểu sử dụng các
vật liệu nhựa một cách tối đa, tận dụng các sản phẩm có sẵn đơn giản, hiệu quả
nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Reuse (Tái sử dụng): Tái sử dụng phế thải tại
chỗ, không từ bỏ gây lãng phí.
Recycle (Tái chế): Chế biến phế phẩm, rác thải
thành sản phẩm hữu dụng khác.
ROT (Phân hủy): Ưu tiên sử dụng các sản phẩm
có tính phân hủy cao an toàn với môi trường.
Rethink (thay đổi): Thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm giảm thiểu tác hại
tới môi trường.
Ví dụ một vài tên đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đối với các trường
trung cấp, cao đẳng như sau: Nghiên cứu, chế tạo thiết bị rửa chi tiết và thu
hồi dầu rửa ô tô tại xưởng thực hành nghề Công nghệ ô tô tại Trường cao đẳng X;
Số hóa và xanh hóa chương trình đào tạo nghề Nông nghiệp công nghệ cao tại
Trường cao đẳng Y…
3. Xanh
hóa cộng đồng nơi làm việc và học tập
Các trường trung cấp, cao đẳng quan tâm phát động các
phong trào thi đua Xanh hóa cộng đồng nơi làm việc của cán bộ, giảng viên, nhân
viên, học sinh, sinh viên và nơi học tập của học sinh, sinh viên. Thể chế các
nội dung này thành các quy định với các tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, có kiểm
tra, đánh giá, khen thưởng và nhắc nhở kịp thời.
4..
Xanh hóa văn hóa tổ chức
Các trường trung cấp, cao đẳng khi triển khai xanh hóa văn hóa tổ chức là
đứng trước thách thức rất lớn, bởi những thói quen cũ đã nhiều năm “ăn sâu, bám
rễ” vào tiềm thức mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhân viên, học
sinh, sinh viên. Thiết lập một nền văn hóa tổ chức mới – nền văn hóa xanh trong
nhà trường cần có những con người với những nhận thức về xanh hóa giáo dục nghề
nghiệp, xanh hóa từ trong tư tưởng mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên,
nhân viên, học sinh, sinh viên.
Để thực hiện thành công xanh hóa văn hóa tổ chức, các trường trung cấp,
cao đẳng cần thực hiện một số nội dung sau:
i) Xác định thực trạng, lịch trình và điểm đến mong muốn của một trường
nghề xanh.
ii) Xác định lại sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị với hướng tới những đích
đến mang tính chiến lược của một trường nghề xanh.
iii) Xác định những nội dung cần thực hiện để xây dựng được nền văn hóa
nhà trường xanh.
Để xanh hóa các trường trung cấp,
cao đẳng cần thực hiện tốt 5 trụ cột: xanh hóa khuôn viên trường học, Xanh hóa chương trình đào tạo; xanh hóa nghiên cứu khoa
học và đổi mới sáng tạo; xanh hóa cộng đồng nơi làm việc và học tập; xanh hóa
văn hóa tổ chức. Trong các trụ cột này, xanh hóa văn hóa tổ chức là trụ cột đòi
hỏi sự quyết tâm lớn từ lãnh đạo trường, lãnh đạo đơn vị, toàn bộ giảng viên,
nhân viên trong nhà trường. Đây là trụ cột mang tính quyết định kết quả quá
trình xanh hóa trong các trường trung cấp, cao đẳng đảm bảo nhanh, rộng và bền
vững./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dr.Klaus – Dieter Mertineit
(2013) – Greening colleges – Skills Develop – ment for a Green Emonomy.
2. GIZ TVET Việt Nam (2022). Ấn phẩm Xanh hóa đào tạo nghề trong GDNN
Việt Nam.
https://www.tvet-vietnam.org/wp-content/uploads/2022/10/221018-Greening-TVET-Thermactic-facsheets-VN-1.pdf
3. Chương
trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), https://daibieunhandan.vn/Giup-viec/Khai-niem-kinh-te-xanh-i260552/
4. Phạm Thị Minh Hiền, Đẩy mạnh xanh hóa giáo dục nghề nghiệp – Thực
trạng và một số khuyến nghị, Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Giáo dục nghề
nghiệp, 2023.
5. Nguyễn Thị Kim Nhung (chủ biên), 2024, Đảm bảo chất lượng đào tạo ở
các trường trung cấp, cao đẳng, NXB Lao động, Hà Nội.