TS. Nguyễn Thị Kim Nhung
Chuyển đổi xanh trong các trường trung cấp, cao đẳng
Xanh hóa khuôn viên trường học
Chuyển đổi xanh là quá trình thay đổi các hoạt động kinh tế, công nghệ và xã hội nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng cường sự bền vững. Chuyển đổi xanh không chỉ cần thiết để bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và sức khỏe cho con người như: ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững; tạo ra nhiều cơ hội kinh tế mới; nâng cao chất lượng cuộc sống, trách nhiệm xã hội và đạo đức; giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên không tái tạo. Chuyển đổi xanh là một phần quan trọng của chiến lược toàn cầu nhằm đạt được sự phát triển bền vững và vượt qua các thách thức của thế kỷ 21.
Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP) lần thứ 27 tại Ai Cập vào tháng 11/2022. Để thực hiện cam kết, chúng ta cần một nguồn nhân lực đủ năng lực để thực hiện phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bao trùm và bền vững. Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò trung tâm đào tạo nguồn nhân lực này. Điều này cho thấy: các trường trung cấp, cao đẳng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi xanh, đào tạo nhân lực (đặc biệt là nhân lực trẻ) tham gia thực hiện xanh hóa nền kinh tế, môi trường và thị trường lao động.
Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã chỉ đạo giáo dục nghề nghiệp (nòng cốt của GDNN là các trường trung cấp, cao đẳng) cần: Tập trung đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trong quá trình chuyển đổi xanh, các trường trung cấp, cao đẳng cần thực hiện tốt năm trụ cột: xanh hóa khuôn viên trường học; xanh hóa chương trình đào tạo, xanh hóa nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, xanh hóa cộng đồng nơi làm việc và học tập, xanh hóa văn hóa tổ chức. Trong phạm vi bài viết kỳ 2 này, tác giả làm rõ trụ cột thứ nhất của chuyển đổi xanh trong các trường trung cấp, cao đẳng: xanh hóa khuôn viên trường học, còn các trụ cột khác sẽ được làm rõ trong các kỳ tiếp theo.
Thực hiện mục tiêu xanh hóa khuôn viên trường học, các trường trung cấp, cao đẳng cần đảm bảo một số nội dung căn bản: trường học xanh; trường học sạch, đẹp; trường học an toàn; trường học thân thiện.
Thứ nhất, Đối với mục tiêu trường học xanh,
Các trường trung cấp, cao đẳng cần xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình và triển khai thực hiện đảm bảo khuôn viên nhà trường:
i) Nhà trường xanh hóa các tòa nhà; xưởng thực hành hiện đại, tích hợp các Module công nghệ điều khiển các thiết bị trong tòa nhà hiện đại, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường xanh.
Trong khuôn viên nhà trường có hệ thống cây xanh, cây bóng mát, thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh hài hòa và phù hợp với quy hoạch của nhà trường. Nhà trường tận dụng cả các khoảng trống nhỏ để bổ sung cây xanh, thảm cỏ và hoa; cây được chăm sóc, cắt tỉa đảm bảo thẩm mỹ. Nên chọn trồng các loại cây có tán, xanh quanh năm;
ii) Nhà trường có toàn bộ các phòng làm việc, ký túc xá, lớp học, phòng học chuyên môn, phòng thực hành...: trang thiết bị, vật tư được sắp đặt, bố trí khoa học đúng yêu cầu về công năng từng phòng; đảm bảo không gian làm việc luôn có tổ chức, môi trường làm việc sạch sẽ thoáng mát, các đồ dùng liệu luôn được sắp xếp đúng chỗ, ngăn nắp. Những điều này đều hướng đến kết quả cuối cùng là rút ngắn thời gian lãng phí, nâng cao năng suất và hiệu quả trong công việc được tối ưu nhất.
Trong các phòng học, phòng chức năng, các thiết bị được nối với các phòng thực hành, phòng học chuyên môn cần áp dụng mô hình 5S của Nhật Bản, áp dụng tiêu chuẩn xanh theo yêu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; áp dụng nội dung của các quy tắc trong 5S của Nhật Bản bao gồm: Seri – Sàng lọc, Seiton – Sắp xếp, Seiso – Sạch sẽ, Seiketsu – Săn sóc, Shitsuke – Sẵn sàng; thực hiện triển khai quy trình 5S trong nhà trường:
Bước 1: Giai đoạn chuẩn bị
Bước 2: Phát động chương trình
Bước 3: Vệ sinh khu vực
Bước 4: Sắp xếp những thứ cần thiết
Bước 5: Duy trì sạch sẽ – săn sóc – sẵn sàng
Bước 6: Đánh giá mức độ hiệu quả áp dụng 5S
iii) Nhà trường tổ chức cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên phong trào trồng và chăm sóc cây xanh;
iv) Nhà trường Giáo dục học sinh, sinh viên hiểu, biết, có thói quen bảo vệ môi trường, yêu quý, tôn trọng thiên nhiên; mỗi học sinh, sinh viên là tuyên truyền viên bảo vệ môi trường.
Thứ hai, Đối với mục tiêu trường học sạch, đẹp
Các trường trung cấp, cao đẳng cần xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đảm bảo:
i) Nhà trường có toàn bộ khuôn viên của nhà trường (gồm cả khu vực cổng trường, bên ngoài tường rào), các khối công trình phục vụ dạy học, làm việc, sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đảm bảo luôn sạch đẹp, thông thoáng.
ii) Nhà trường có toàn bộ các phòng làm việc, ký túc xá, lớp học, phòng thực hành, trang thiết bị, vật tư được sắp đặt gọn gàng, sạch, đẹp, thẩm mỹ. Hệ thống pa nô, khẩu hiệu phải có nội dung, hình thức phù hợp, có ý nghĩa giáo dục; được treo ở các vị trí phù hợp đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn...
iii) Nhà trường có đủ nhà vệ sinh được đặt ở vị trí phù hợp, đảm bảo an toàn, thuận tiện, luôn được vệ sinh sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường...
iv) Nhà trường có tường của các công trình xây dựng, bàn ghế và các thiết bị được giữ sạch sẽ.
v) Nhà trường có nơi xử lý rác thải, có thùng đựng rác (loại phù hợp để phân loại rác) được đặt ở vị trí hợp lý, đảm bảo mỹ quan, có nắp đậy... ; rác thải được phân loại, rác hữu cơ được xử lý phục vụ cho mục tiêu trường học xanh trong nhà trường, rác vô cơ được vận chuyển đến nơi xử lý một cách an toàn.
vi) Trang phục của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên sạch đẹp, phù hợp với các hoạt động trong nhà trường.
vii) Cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và học sinh, sinh viên có ý thức cao trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp...
Thứ ba, Đối với mục tiêu trường học an toàn
Các trường trung cấp, cao đẳng cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và triển khai thực hiện đảm bảo:
i) Nhà trường có hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, cổng trưởng đảm bảo an toàn, vững chắc; đóng mở cửa đúng quy định; khuôn viên ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào bảo vệ đảm bảo an toàn.
ii) Nhà trường có hệ thống trang thiết bị thực hành, thực tập, vui chơi giải trí được lắp đặt, sử dụng và thường xuyên kiểm tra, rà soát đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng học, phòng chức năng, bàn ghế, bảng viết, hệ thống chiếu sáng, các công trình phụ trợ và thiết bị thực hành, thực tập theo đúng tiêu chuẩn được quy định...; Nhà trường có đủ các quy định an toàn và thiết bị xử lý khi mất an toàn được treo ở vị trí phù hợp và có tác dụng cảnh báo.
iii) Hệ thống cây xanh được cắt tỉa, gia cố (nếu cần) và được bố trí ở vị trí an toàn.
iv) Nhà trường có hệ thống cảnh báo nơi nguy hiểm.
v) Hệ thống y tế học đường đảm bảo quy định về con người, trang thiết bị, thuốc chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên đúng quy định.
vi) Nhà trường có quy định an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh, sinh viên và có bộ phận thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
vii) Nhà trường có các quy định và các biện pháp ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường.
viii) Nhà trường có biện pháp phòng ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi xâm hại, bạo lực học đường...;
ix) Trong hệ thống cây xanh, cây bóng mát, thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh của nhà trường không trồng cây có nhiều sâu hoặc có vỏ, lá, hoa chứa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
ix) Nhà trường tổ chức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và các bên liên quan về đảm bảo an toàn về các nội dung trên.
Thứ tư, Đối với mục tiêu trường học thân thiện
Để xây dựng trường học thân thiện, các trường trung cấp, cao đẳng cần xây dựng cho được văn hóa nhà trường gồm tập hợp các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử... đặc trưng của một trường học, nó tác động đến toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của một nhà trường. Khi mục tiêu trường học thân thiện, các trường trung cấp, cao đẳng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
i) Nhà trường xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, được lấy ý kiến của đại diện học sinh, sinh viên, trong đó thống nhất và quy định rõ:
- Nền nếp học tập, sinh hoạt học sinh, sinh viên.
- Hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục... của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên.
- Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, lao động chăm sóc khuôn viên, vệ sinh môi trường; tiết kiệm điện, nước...
- Có quy định thực hiện các thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn, thuận tiện, đúng quy định của Nhà nước đối với các hoạt động của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên. Việc thực hiện các quy định này thường xuyên được kiểm tra và công khai, minh bạch thông tin trường học.
ii) Nhà trường có tổ hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên, cùng các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên.
iii) Định kỳ tổ chức đối thoại giữa hiệu trưởng với học sinh, sinh viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, sinh viên.
* Khi thực hiện xanh hóa đào tạo nghề nói chung, xanh hóa khuôn viên trường học nói riêng, các trường trung cấp, cao đẳng nên tham khảo và vận dụng kinh nghiệm của UNESCO – UNEVOC, trong tài liệu hướng dẫn về xanh hóa Giáo dục nghề nghiệp của UNEVOC năm 2017 có gợi ý khung 4 bước triển khai xanh hóa cơ sở đào tạo, cụ thể như sau:
Bước 1: Hiểu quy trình
Làm rõ khái niệm xanh hóa
Thực hiện đánh giá và điều chỉnh quy định
Điều chỉnh cách tiếp cận tổng thể
Thu hút sự tham gia của các bên
Bước 2: Lập kế hoạch xanh hóa
Nâng cao nhận thức và xác định sự cần thiết
Xây dựng tầm nhìn
Thúc đẩy sự tham gia rộng rãi hơn
Đánh giá thực tế hiện tại, xây dựng kế hoạch hành động
Bước 3: Triển khai kế hoạch
Phân công các nhiệm vụ cần làm
Hoàn thiện và tích hợp vào các hệ thống cốt lõi
Phân bổ nguồn lực
Thể chế hóa về sự thay đổi và tôn vinh
Bước 4: Giám sát đánh giá
Xác định lý do giám sát
Làm rõ phạm vi cần đánh giá
Xây dựng khung giám sát và đánh giá
(Nguồn: Phạm Thị Minh Hiền, 2023)
Tóm lại: Để đảm bảo xanh hóa nhà trường, xanh hóa khôn viên trường học được bền vững, các trường trung cấp, cao đẳng cần tổ chức các chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức, thường xuyên thực hiện các biện pháp quản lý thực hiện; rà soát các quy định, cải tiến liên tục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Chính trị, 2024, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 12/8/2024 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”
2. GIZ TVET Việt Nam (2022). Ấn phẩm Xanh hóa đào tạo nghề trong GDNN Việt Nam.
https://www.tvet-vietnam.org/wp-content/uploads/2022/10/221018-Greening-TVET-Thermactic-facsheets-VN-1.pdf
3. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), https://daibieunhandan.vn/Giup-viec/Khai-niem-kinh-te-xanh-i260552/
4. Phạm Thị Minh Hiền, Đẩy mạnh xanh hóa giáo dục nghề nghiệp – Thực trạng và một số khuyến nghị, Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 2023.
5. Nguyễn Thị Kim Nhung (chủ biên), 2024, Đảm bảo chất lượng đào tạo ở các trường trung cấp, cao đẳng, NXB Lao động, Hà Nội.
6. Tài liệu xanh hóa trường học của các sở giáo dục và đào tạo, các phòng giáo dục trực thuộc các tỉnh.