ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NGƯỜI HỌC THEO HƯỚNG TIẾP CẬN NĂNG LỰC TẠI KHOA DU LỊCH TRƯỜNG CAO ĐẲNG LÀO CAI
Cử nhân Bùi Anh Dũng
Phó Trưởng khoa Du lịch
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 29-NQ/TW8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo là “Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo”. Đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy các quá trình khác như đổi mới PPDH, đổi mới cách thức tổ chức dạy học, đổi mới quản lý...Vì vậy, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học là một đòi hỏi cấp thiết, có vai trò quyết định đối với chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực Du lịch của nhà trường. Trong khuôn khổ bài viết, tôi tập trung tìm hiểu: Khái niệm về năng lực và đánh giá theo năng lực; Một số hình thức đánh giá theo năng lực và đề xuất những giải pháp để định hướng, thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực tại khoa Du lịch trường CĐLC Lào Cai.
1. Khái niệm năng lực và đánh giá theo năng lực
Năng lực có thể hiểu là khả năng, là hiệu suất công việc được chứng minh qua kết quả hoạt động thực tế, nó liên quan đến kiến thức, kĩ năng, thái độ và đặc điểm cá nhân. Năng lực là khả năng làm chủ những kiến thức, kĩ năng, thái độ và vận hành chúng một cách hợp lí vào thực hiện thành công nhiệm vụ hoặc giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra của cuộc sống. Người có năng lực về một lĩnh vực hoạt động nào đó cần phải có đủ các dấu hiệu cơ bản sau: 1) Có kiến thức hay hiểu biết hệ thống chuyên sâu về lĩnh vực hoạt động đó; 2) Biết cách tiến hành hoạt động đó hiệu quả và đạt kết quả phù hợp với mục đích và 3) Hành động có kết quả, ứng phó linh hoạt hiệu quả trong những điều kiện mới, không quen thuộc.
Đánh giá theo năng lực thiên về xác định mức độ năng lực của người học so với mục tiêu đề ra của môn học. Khi đánh giá theo hướng năng lực cũng vẫn phải căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn học để xác định các tiêu chí thể hiện năng lực của người học, tuy nhiên do năng lực mang tính tổng hợp và tích hợp nên các chuẩn kiến thức, kĩ năng cần phải được tổ hợp lại trong mối quan hệ nhất quán để thể hiện được các năng lực của người học, đồng thời phải xác định những mức năng lực cao hợp chuẩn để tạo được sự phân hóa nhằm đo được khả năng và sự tiến bộ của tất cả các đối tượng người học.
Các năng lực có thể được đánh giá ở sinh viên qua các môn học/ Mô đun tập trung trong chương trình đào tạo ngành du lịch: Bao gồm các năng lực chung cốt lõi: 1) Năng lực giao tiếp; 2) Năng lực tìm kiếm, tổ chức, xử lí thông tin; 3) Năng lực sử dụng công nghệ; 4) Năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề (đặc biệt là năng lực ứng phó đối với các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn); 5) Năng lực giao tiếp với cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng; 6) Năng lực phân tích và xử lí các tình huống du lịch; 7) Năng lực thuyết phục và cảm hóa; 8) Năng lực tổ chức các hoạt động du lịch...
Có thể minh họa một số tiêu chí đánh giá các năng lực cụ thể như sau:
Năng lực
|
Tiêu chí đánh giá
|
|
|
Phân tích và xử lí tình huống du lịch
|
Nhận dạng, phân loại tình huống giáo dục.
|
|
Thu thập và xử lý thông tin cần thiết để giải quyết tình huống.
|
|
Lựa chọn và thực hiện phương án giải quyết tình huống phù hợp nhất.
|
|
Đóng vai xử lí tình huống
|
|
Đánh giá cách giải quyết tình huống và rút kinh nghiệm.
|
|
Giao tiếp
|
Phối hợp các phương tiện giao tiếp: lời nói cử chỉ điệu bộ một cách hợp lý.
|
|
Vận dụng các nguyên tắc và các kĩ thuật trình bày để diễn đạt được các ý tưởng một cách rõ ràng.
|
|
Tạo nên không khí giao tiếp thuận lợi thể hiện ở sự cởi mở, lịch sự, tự tin, dân chủ và linh hoạt.
|
|
Tin tưởng, tôn trọng đối tượng giao tiếp
|
|
Biết thuyết phục, cảm hóa đối tượng thay đổi nhận thức sai lệch hoặc những hành vi không mong đợi.
|
|
Tổ chức hoạt động du lịch
|
Xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với mục tiêu, với đặc điểm tập thể và điều kiện thực hiện. Biết dự kiến các tình huống có thể xảy ra.
|
|
Tổ chức, quản lý thực hiện kế hoạch hoạt động đã xây dựng dựa trên sự tự quản, sự tham gia và hợp tác của mọi HSSV trong các hoạt động ngoại khóa
|
|
Đánh giá kết quả hoạt động, quá trình thực hiện hoạt động và rút kinh nghiệm dựa trên sự tự quản, sự tham gia và hợp tác của mọi HSSV.
|
|
Kết quả đánh giá được qui về 4 mức: Tốt, khá, trung bình và chưa đạt.
2. Một số hình thức đánh giá năng lực của sinh viên trong môn học/ mô đun
2.1. Đánh giá thông qua các dự án học tập
Thông qua dự án học tập, giảng viên đánh giá được mức độ lĩnh hội kiến thức và kỹ năng của học sinh sinh viên làm việc trong một khoảng thời gian dài nghiên cứu và kết quả trả lời một câu hỏi, vấn đề hoặc thách thức mang tính thực tế, lôi cuốn và phức tạp.
2.2. Đánh giá thông qua hồ sơ học tập của học sinh sinh viên
Hồ sơ học tập của sinh viên là một bộ sưu tập có mục đích và có tổ chức những công việc của sinh viên, được tích lũy trong suốt một thời gian và thể hiện sự nỗ lực, tiến trình của sinh viên và những gì các em đạt được.
Giảng viên có thể sử dụng hình thức này để đánh giá sự trưởng thành về mặt năng lực của sinh viên cũng như toàn bộ quá trình học tập của các em bằng những công việc các em đã hoàn thành và sản phẩm được thể hiện trong hồ sơ học tập.
Trong đào tạo theo tín chỉ, một trong những nhiệm vụ bắt buộc là sinh viên phải dành thời gian thỏa đáng cho việc tự học, tự nghiên cứu. Một giờ học trên lớp tương ứng với hai giờ tự học, tự nghiên cứu. Các nhiệm vụ tự học được thể hiện trong đề cương chi tiết môn học/ mô đun và nhiệm vụ tự học mà giảng viên yêu cầu trong từng giờ lên lớp. Để đánh giá được hồ sơ tự học của từng sinh viên, đòi hỏi giảng viên phải xây dựng các tiêu chí cho việc đánh giá và thảo luận công khai với sinh viên:
- Hồ sơ có bao gồm toàn bộ những gì học sinh sinh viên đã làm và đã hoàn thành theo yêu cầu của giảng viên hay không?
- Hồ sơ có lượng thông tin thỏa đáng không?
- Hồ sơ có thể hiện tích tích cực, tự giác, tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên trong học tập hay không?
- Hồ sơ có thể hiện sự trưởng thành hoặc sự thay đổi nào trong suốt thời gian học tập và có chứng minh được sự tiến bộ trong học tập của sinh viên hay không?...
Sau mỗi nội dung tự học, học sinh sinh viên có phần bổ sung các thông tin thông qua bài giảng của giảng viên và tự đánh giá kết quả tự học của bản thân.
Từ danh mục các tiêu chí, giảng viên chủ động đánh giá ngẫu nhiên, xác suất trong các giờ lên lớp hoặc thu đồng loạt hồ sơ tự học để đánh giá định kì hoặc đánh giá vào cuối mỗi môn học. Qua đánh giá, giảng viên có thể nhìn thấy được cả quá trình phấn đấu, trưởng thành của học sinh sinh viên, sự hình thành và phát triển năng lực của các em được thể hiện qua sản phẩm của từng giai đoạn, đồng thời giảng viên có thể thu thập được phản hồi của học sinh sinh viên từ những phần tự đánh giá của các em sau mỗi nhiệm vụ tự học mà các em đã thực hiện; đánh giá được năng lực tư duy, sáng tạo, khả năng làm việc độc lập...
3. Một số định hướng đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá tại khoa Du lịch trường CĐ Lào Cai theo hướng tiếp cận năng lực người học
3.1. Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên nhà trường trong công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá.
Thực tế nhiều giảng viên tự nghiên cứu, tìm tòi để thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học chứ chưa được tập huấn một cách bài bản về vấn đề này. Vì vậy trong thời gian tới Khoa Du lịch sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn về đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học cho giảng viên trong khoa. Khoa mời chuyên gia hoặc giảng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá để tổ chức tập huấn cho tất cả giảng viên trong khoa, giúp hoạt động này được thực hiện một cách khoa học, và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
3.2. Thường xuyên tổ chức hội thảo khoa học cấp khoa, tổ chức sinh hoạt theo chuyên môn sâu để thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá để tìm ra cách làm hay, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học.
3.3. Từng bước xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực người học qua từng bài học, từng học phần, làm căn cứ đổi mới quá trình dạy học nói chung và kiểm tra, đánh giá nói riêng theo hướng tiếp cận năng lực người học.
3.4. Tăng cường hướng dẫn sinh viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu; định hướng sản phẩm mà học sinh sinh viên cần đạt được sau mỗi bài, mỗi chương, mỗi môn học, làm căn cứ đánh giá học sinh sinh viên theo hướng tiếp cận năng lực.
3.5. Định kì lấy ý kiến phản hồi của người học về công tác dạy học, trong đó có kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt phân tích kĩ các ý kiến phản hồi về công tác kiểm tra, đánh giá, làm cơ sở cho việc chỉ đạo các hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Kết luận:
Khái niệm “Đánh giá theo năng lực” vốn không mới, nhưng đối với các ngành thuộc khoa Du lịch, khi xây dựng chương trình đào tạo theo năng lực, song song với đổi mới phương pháp đào tạo là đổi mới phương pháp đánh giá năng lực. Giảng viên cần có nhận thức sâu sắc, có kỹ năng đánh giá năng lực học tập của học sinh sinh viên để tạo được sự thống nhất đồng bộ trong thực hiện chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Điều đó cần có sự nghiên cứu để đánh giá một cách khoa học, đầy đủ và toàn diện trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường nhằm thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học như Nghị quyết 29 đã đề ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Sĩ Anh. Tìm hiểu việc kiểm tra, đánh giá học sinh và đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực. (Bài viết đăng trên Tạp chí khoa học – Trường ĐHSP TP.HCM, số 50, tháng 9-2013)
2. Nguyễn Thành Ngọc Bảo. Bước đầu tìm hiểu khái niệm “Đánh giá theo năng lực” và đề xuất một số hình thức đánh giá năng lực ngữ văn của học sinh. Tạp chí Khoa học- ĐHSPTPHCM, số 56/2014.
4. Nguyễn Vũ Bích Hiền. Tiếp cận năng lực trong đánh giá giáo dục. (tài liệu tập huấn (Website tailieu.nhagiao.edu.vn)
6. TS. Nguyễn Hồng Minh. Đổi mới quá trình đào tạo giáo viên dạy nghề theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện. Website Bộ Lao động thương binh XH, 7/2021.
7. ThS. Nguyễn Thanh Sơn. Phát triển chương trình đào tạo đại học theo định hướng đáp ứng chuẩn đầu ra. Bản tin Khoa học và giáo dục, 2018.