image banner
MỘT GÓC NHÌN VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

TS. Nguyễn Thị Kim Nhung

KỲ I: MỘT VÀI KHÁI NIỆM VÀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ, CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu thế lớn hội tụ nhiều công nghệ số hóa đột phá như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa – vật lý – sinh học, giữa thế giới thực và không gian số để tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống, từ tổ chức sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp xã hội và chính bản thân con người.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó xác định rõ: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”; “Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số” là các đột phá chiến lược giai đoạn 2021 – 2030 [4; tr 95-96].

Thực hiện chủ trưởng của Đảng và Nhà nước, để tồn tại và phát triển, quá trình chuyển đổi số là quá trình quan trọng, bắt buộc đối với mỗi cá nhân, tổ chức, quốc gia, nó đặc biệt quan trọng đối với các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.  Vì vậy, tác giả cung cấp thêm một góc nhìn để giúp bạn đọc, viên chức giáo dục nghề nghiệp nói chung, giảng viên, nhân viên Trường Cao đẳng Lào Cai nói riêng có thêm thông tin, góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tạo thêm động lực cho chuyển đổi số của các cá nhân, tổ chức nói chung, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Trường Cao đẳng Lào Cai sớm đạt được mục tiêu. Góc nhìn của tác giả được thể hiện qua nhiều kỳ, kỳ 1 tác giả cung cấp một số khái niệm và quan điểm chỉ đạo về chuyển đổi số, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

1. Một số khái niệm [1]

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Công nghệ số, hiểu theo nghĩa rộng là công nghệ xử lý tín hiệu số hay công nghệ thông tin. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số hiểu theo nghĩa hẹp là một bước phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn, với chi phí rẻ hơn.

Chính quyền số là chính phủ được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Chuyển đổi số cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương

Xã hội số: Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xã hội số, xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân. Xã hội số, xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hóa số. Theo nghĩa này, xã hội số, cùng với chính phủ số và kinh tế số tạo thành ba trụ cột của một quốc gia số.

2. Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, kế hoạch chuyển đổi số quốc gia [2]

Tầm nhìn đến năm 2030: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Mục tiêu đến năm 2030: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII), thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Mục tiêu đến năm 2025: Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII), thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số được xác định bao gồm: Nhận thức đóng vai trò quyết định; người dân đóng vai trò trung tâm; thể chế và công nghệ là động lực; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.

Các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số được đặt ra, đã và đang triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu chuyển đổi số bao gồm: 1) Chuyển đổi nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, đìa bàn; xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia về chuyển đổi số, công nghệ số, đổi mới, công nghiệp sáng tạo, truyền cảm hứng; truyền thông, chuyển đổi nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số… 2) Kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với quan hệ mới phát sinh. 3) Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp ngay từ khi thiết kế, xây dựng. 4) Phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng được tích hợp sẵn các chức năng về an toàn, an ninh mạng được tích hợp ngay từ khi thiết kế, xây dựng. 5) Tạo lập niềm tin an toàn, an ninh mạng: tạo lập niềm tin vào tiến trình chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số thông qua việc hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân. 6) Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Thu hút nhân tài, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo.

Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phát triển xã hội số có nhiệm vụ, giải pháp: Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCS) cho tất cả người dân nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số. Phổ cập việc thi trực tuyến; công nhận giá trị của các chứng chỉ học trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển các doanh nghiệp công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa.

Giáo dục là một trong các lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tập trung phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình cho phép HSSV học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của HSSV trước khi đến lớp học.

3. Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp [3]

Mục tiêu Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ xác định: Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Với một số chỉ tiêu cơ bản:

a) Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp

- Phấn đấu 50% đến năm 2025 và 100% đến năm 2030 nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số.

- Phấn đấu 50% đến năm 2025 và 100% đến năm 2030 nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số.

b) Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo

- Phấn đấu 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số.

- Phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới.

c) Hạ tầng, nền tảng và học liệu số

- Hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học vào năm 2025.

- Phấn đấu 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia.

d) Quản lý số và quản trị số

- Phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và tích hợp vào Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào năm 2023.

- Phấn đấu 100% trường cao đẳng, trung cấp năm 2025, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số.

- Có 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030 hoạt động kiểm tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Hình thành bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào năm 2025 và liên kết bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các hệ thống chứng thực và tra cứu thông tin giáo dục nghề nghiệp vào năm 2030.

- Phấn đấu 100% báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện trên môi trường số và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vào năm 2025.

- Phấn đấu ít nhất 50% đến năm 2025 và 100% đến năm 2030 các trường chất lượng cao là trường học số.

8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được xác dịnh, bao gồm:

1) Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;

2) Phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế;

3) Phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số;

4) Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó chú trọng:

a) Đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

b) Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các phương pháp dạy và học mới cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, người dạy trong các đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ. Áp dụng hình thức học tập thích nghi, phối kết hợp hài hòa việc dạy và học trực tiếp tại trường với việc dùng các công nghệ, học liệu số, thiết bị thật, thiết bị ảo, phòng học ảo. Cá nhân hoá việc học tập.

c) Phát triển đội ngũ cán bộ chuyên về phát triển các ứng dụng số, học liệu số tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

5) Chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường, tập trung thực hiện:

a) Chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước

b) Chuyển đổi số trong quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

- Phát triển, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, đảm bảo kết nối, khai thác phục vụ xử lý thông tin theo yêu cầu quản lý, quản trị.

- Số hóa hoạt động của nhà trường, trong đó chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chất lượng, phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý học sinh, sinh viên, kết nối doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến.

- Triển khai việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số.

6) Huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp

7) Nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế

8) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

* Tác động của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp như sau:

Thứ nhất, tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn. Tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có các trường trung cấp, cao đẳng.

Thứ hai, tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thay đổi cách quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cách dạy của giáo viên, cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Thứ ba, bản thân quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

 

4. Nhận thức và thực hiện

Đứng trước mục tiêu to lớn như vậy về chuyển đổi số quốc gia, về chuyển số trong giáo dục nghề nghiệp, chúng ta cần làm gì?

Là cán bộ, giảng viên, nhân viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung; là cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Cao đẳng Lào Cai nói riêng, chúng ta có trách nhiệm góp phần nhỏ bé của mình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. Chúng ta có thể thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, đổi mới, sáng tạo trong công việc hàng ngày của mình, ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng thiết bị sẵn có, những phần mềm miễn phí nhiều nhất có thể để tăng hiệu quả công việc, giảm công lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, xây dựng hạ tầng dữ liệu giảng dạy theo lộ trình… Đồng thời, Nhà trường có thể đầu tư kinh phí bắt đầu từ một số ít thiết bị hạ tầng và một vài phần mềm như: 1) phần mềm quản lý đào tạo có tích hợp các chức năng liên quan một cách hệ thống để xây dựng dữ liệu dùng chung nhằm giảm áp lực, lao động thực hiện công việc hành chính cho các đơn vị chuyên môn liên quan; 2) Phần mềm giảng dạy trực tuyến để phát huy kho dữ liệu bài giảng dùng chung nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu dạy học theo năng lực HSSV, giáo dục hòa nhập… nâng cao chất lượng đào tạo.

Tác giả tin rằng, mỗi chúng ta đóng góp một phần công sức nhỏ cũng chắc chắn sẽ tạo nên chuyển biến lớn, chuyển đổi số sẽ sớm đạt được mục tiêu./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng Thông tin điện tử.

2. Chính phủ, 2020, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020.

3. Chính phủ, 2021, Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021.

4. Đảng Cộng Sản Việt Nam, 2021, Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Nguyễn Thị Kim Nhung (chủ biên), 2024, Đảm bảo chất lượng đào tạo ở các trường trung cấp, cao đẳng, NXB Lao động, Hà Nội.

Tải về

Tin khác
1 2 
Tin tức mới nhất

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 86
  • Hôm nay: 376
  • Trong tuần: 5 187
  • Tất cả: 287223